Lương nhân công Trung Quốc đắt đỏ không phải là cơ hội của riêng người Mỹ. Những nhà sản xuất hàng nội thất Việt Nam cũng nhìn thấy cơ hội đó, theo thông tin từ ông Trần Việt Tiến, công ty Gia Long, giá nhân công trung bình của Trung Quốc đã lên đến 260 USD/tháng so với 90 USD ở Việt Nam.
Bà Ngô Thị Hồng Thu, phó tổng giám đốc công ty gỗ Trường Thành, còn cho biết giá FOB hàng Trung Quốc cao hơn 7 – 15% so hàng Việt Nam, chưa kể cước vận chuyển, chênh lệch thuế VAT và các chi phí khác. Nhiều doanh nghiệp đang cố nắm bắt lấy cơ hội như thế trên một sân nhà đồ nội thất lâu nay bị Trung Quốc thống lĩnh.
Hơn nữa, hàng Việt Nam rẻ hơn, nhất là những loại hàng thâm dụng lao động, đang hút ngược về lại Trung Quốc, theo ông Trần Việt Tiến.
Đã biết liên kết?
Những nhà sản xuất Việt Nam cũng nhìn ra cố tật lâu nay của mình: muốn chơi trên sân nhà phải liên kết sự đa dạng sản phẩm, liên kết các công đoạn sản phẩm của nhiều nhà, tạo nên những “ngôi nhà chung” thì mới thu hút được khách hàng, vì họ có nhiều mẫu mã, loại vật dụng, để chọn.
Ông Võ Quang Hà, giám đốc công ty Tân Vĩnh Cửu cho rằng, biện pháp tốt nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau. “Công ty chúng tôi đã liên kết với một số đối tác ở Bình Dương. Tân Vĩnh Cửu cung cấp gỗ cho họ và đổi lại bằng hàng hoá để bán trong cửa hàng của chúng tôi”, ông Hà nói.
Một số nhà sản xuất cũng đã đầu tư chuyên viên thiết kế nước ngoài, tận dụng các nhà thiết kế Philippines – một thời gian dài nổi tiếng về thiết kế – với giá lương ít đắt đỏ hơn so với châu Âu, như Mifaco.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, tổng giám đốc công ty AA, cho biết trong vài năm qua để phát triển thị trường nội địa, công ty đầu tư rất nhiều cho đội ngũ thiết kế. Hiện nay, tay nghề của thiết kế có thể sánh với thiết kế nước ngoài. Việc đầu tư chất lượng cũng là tiêu chí mà công ty luôn theo đuổi. Sắp tới, để thu hút và tập hợp các nhà thiết kế công ty sắp khai trương quán D càphê (designer càphê) để làm nơi cho các nhà thiết kế trao đổi, hội họp.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đánh giá, mấy năm gần đây, thị trường bất động sản hình thành nhiều dự án, khách sạn, resort lớn, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ từ 85 triệu dân nên có thể nói, đồ gỗ nội địa đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp.
Quay đầu vẫn chưa thấy bờ
Cơ hội trước mắt nhưng thách thức vẫn còn nguyên từ khi doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu quay lại nội địa cách đây ba năm, nhưng đến nay “quay đầu” vẫn chưa “thấy bờ”.
Năm 2005, công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã chú ý đến thị trường nội địa với hẳn một kế hoạch khai thác bài bản. Phân khúc thị trường nhắm đến là các công trình xây dựng lớn, thiết kế trọn gói bộ sản phẩm trang trí nội thất đồ gỗ và thực tế doanh số tăng trưởng đều hàng năm, dự kiến chiếm tới 35% trong tổng số 2.400 tỉ đồng năm 2011 này. Thế nhưng, theo bà Ngô Thị Hồng Thu, công ty vẫn đặt ra chiến lược ngắn hạn là ưu tiên làm hàng xuất khẩu chứ không phải nội địa. “Cái khó nhất để khai thác thị trường nội địa hiện nay là doanh nghiệp phải tốn quá nhiều chi phí thuê mặt bằng, chi phí designer (thiết kế) mẫu mã, chi phí bán hàng, quảng cáo”, bà Hồng Thu nói.
“Trường Thành có năm cửa hàng riêng ở TP.HCM, Bình Dương và thành phố Buôn Ma Thuột (Dăk Lăk) nhưng chúng tôi xác định sản phẩm bán ở đây chỉ nhằm mục đích đưa hình ảnh thương hiệu gần gũi với người tiêu dùng chứ thật sự là không có lợi nhuận”, bà Hồng Thu nói thêm.
Một vướng mắc khác cũng đang được các doanh nghiệp đồ gỗ từng bước tháo gỡ đó là khâu phân phối. Theo ông Thắng, thị trường trong nước hiện đang gặp phải vấn đề lớn là không có nhà phân phối tập trung để khách hàng có thể tiếp cận nhiều mẫu hàng. Vừa qua, một số doanh nghiệp bắt tay nhau hình thành các cửa hàng liên kết, ký gửi sản phẩm trưng bày nhằm giảm bớt phí thuê mặt bằng. Theo tính toán, điều kiện để có một showroom đồ nội thất cần ít nhất không gian mặt bằng 500m2, với giá thuê mặt bằng đắt đỏ như hiện nay thì doanh nghiệp chỉ còn biết đi ký gửi ở các đại lý, chứ rất ít doanh nghiệp tự tổ chức được.